CƠ SỞ DỮ LIỆU XÃ THIÊN LỘC

DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH NHÀ THỜ VÕ LIÊM SƠN
Chi tiết

Địa chỉ: Thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Năm công nhận: 2005

Người đại diện: Võ Huấn Sơn

Võ Liêm Sơn, hiệu Ngạc Am, sinh ngày mồng bảy tháng bảy năm Mậu Tý, tức là ngày 08/8/1888 ở làng Phổ Minh, xã Hữu Ngoại, nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước lâu đời. Từ nhỏ, ông đã theo đuổi Hán học, rồi học tiếp chữ Pháp; năm 1905, ông vào trường Quốc học Huế học cùng  Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh)…; năm 1911, đỗ bằng Thành chung (tương đương tốt nghiệp trung học cơ sở hiện nay), được bổ làm giáo học ở Quy Nhơn; năm 1912, lại đỗ Cử nhân Hán học tại trường thi Hương - Bình Định, sau tốt nghiệp trường Hậu bổ (trường hành chính) rồi ra làm Tri huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chưa đầy một năm thì ông bị huyền chức vì khảng khái chống lại tên chủ thương chính người Pháp. Ông bị chuyển về Huế làm Thừa biện (viên quan thừa hành giúp việc Trưởng quan ở Bộ). Được ít lâu, ông xin chuyển sang ngạch giáo chức; năm 1915, được bổ làm Giáo thụ (trông coi việc học ở một phủ), sau thăng Kiểm học(trông coi việc học ở một tỉnh) ở tỉnh Phú Yên. Năm 1919, chế độ thi cử Nho học bị bãi bỏ, ông chuyển ra Huế dạy Hán văn và Việt văn ở trường Quốc học. Các nhà cách mạng như Hà Huy tập, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp… hồi ấy đều là học trò của ông. Ngoài dạy học ông còn làm thơ, viết văn. Các tác phẩm thơ văn của ông chủ yếu truyên truyền tinh thần yêu nước, châm biếm, lên án chế độ lúc bấy giờ.

Năm 1926, ông gia nhập Tân Việt Cách mệnh Đảng (gọi tắt là Đảng Tân Việt) và nhà ông trở thành nơi đi lại và hội họp của các đảng viên.

Năm 1928 ông cùng Đào Duy Anh sáng lập Quan Hải Tùng Thư ở Huế, để xuất bản những tập sách phổ biến tư tưởng khoa học và duy vật lịch sử

Năm1930, ông và người con trai đầu là Võ Bỉnh Sơn bị bắt và đưa về giam ở nhà lao Hà Tĩnh gần một năm.  Được tha, ông trở lại Huế. Khâm sứ Pháp dụ ông trở lại làm quan và muốn ông chống lại cộng sản. Ông nói thẳng: "Họ không phải là kẻ thù của tôi" và ông từ chối. Thấy ở Huế không yên, ông cùng gia đình vào ở xã Mỹ Đức, kề tỉnh lỵ Phan Rang, làm ăn và viết sách. Năm 1934, ông sáng lập Tân Văn nghệ Tùng thư nhưng mới xuất bản được 2 cuốn sách thì ông lại bị tình nghi, bị khám xét, sách vở bị tích thu và bị bắt giam mấy ngày rồi bị quản chế

Năm 1935-1936, ông vào Sài Gòn làm báo một thời gian ngắn rồi trở lại Phan Rang.

Năm 1942 Nhật vào Đông Dương rồi chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, mấy gã thân Nhật đến vận động ông ra giúp việc, ông từ chối bảo: "Thế nào Nhật cũng thua, các ngài đừng mơ tưởng hão".

          Từ năm 1944, ông bí mật tham gia mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông về quê nhà tham gia công tác kháng chiến tại Hà Tĩnh

Năm 1947, Võ Liêm Sơn được chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà bổ nhiệm làm Trưởng ban tuyên truyền kháng chiến, Uỷ viên uỷ ban kháng chiến hành chính đồng thời được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên việt Hà Tĩnh.

Năm 1948, ông được bổ nhiệm làm Uỷ viên Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 4 và trong Đại hội mặt trận Liên việt liên khu, ông được bầu làm Chủ tịch. Do bị bệnh, ông đã qua đời ngày 22/2/ 1949 tại quê nhà.

Với 61 tuổi đời, gần 40 năm hoạt động trên nhiều lĩnh vực – Làm quan triều Nguyễn, làm thầy dạy học, hoạt động cách mạng, Danh nhân văn hóa Võ Liêm Sơn đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Ông đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thuỷ chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự cống hiến của Danh nhân Võ Liêm Sơn đã để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá.

Nhắc đến Võ Liêm Sơn là nhắc đến người thầy giáo thông minh, chính trực, giàu tính nhân văn, một nhà giáo yêu nước có tư tưởng tiến bộ. Là người tâm huyết với nghề, có kiến thức sâu rộng, có chí khí quật cường, thầy Võ Liêm Sơn được coi là nhà sư phạm mẫu mực, được học trò và mọi người yêu kính. Ông coi việc truyền bá kiến thức không phải là mục đích mà là phương tiện để hoàn thiện đạo làm người, đạo làm dân nước. Và về mặt này, nhân cách của ông cũng là một bài học lớn, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho học trò. Trong những năm tháng làm việc tại Quốc học Huế, ông đã truyền lòng yêu nước cho nhiều thế hệ học sinh tại ngôi trường này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã từng viết: "Cụ Võ là người truyền bá tư tưởng Cách mạng đầu tiên cho tôi, là người đầu tiên giới thiệu cho tôi cuốn sách trình bày khái lược về chủ nghĩa Mác".

Là nhà giáo, nhà văn, nhà báo... Nhưng trước hết Võ Liêm Sơn là nhà yêu nước, nhà cách mạng nhiệt thành, kiên định, triệt để. Ông không chỉ dạy người, kêu gọi người đấu tranh mà chính ông trực tiếp đấu tranh bằng nghề nghiệp của mình, và cả trong tổ chức chính trị.

          Võ Liêm Sơn -  nhà chí sỹ cách mạng đủ dũng khí từ bỏ chức vị, lợi quyền, sẵn sàng chấp nhận tù tội vì dân, vì nước. Cái gốc nhân văn trong phẩm chất của ông được nhân dân kính mến, được Bác Hồ Quý trọng

 

Hình ảnh nhà thờ Võ Liêm Sơn